Bóng Đá Plus trên MXH

» Châu Âu» Anh
Falcao, Di Maria, Blind và những đồng tiền mù quáng của M.U
16:53 ngày 02/09/2014
M.U đã trải qua một mùa Hè mua sắm điên cuồng, khi chi ra số tiền 170 triệu bảng để mang về rất nhiều tân binh mà trong đó có không ít người bị đặt dấu hỏi về chuyên môn.
    *Đây là bài viết của nhà báo Martin Samuel có cùng nhan đề được đăng trên Daily Mail ngày 2/9. Bongdaplus.ketquahanoi.com xin đăng nguyên văn:

    Ngày 14/5/2012, một ngày sau khi Man United để mất chức vô địch Anh của họ vào kình địch láng giềng Man City, và Sir Alex Ferguson đã nổi nóng.

    “Chúng tôi đầu tư vào các cầu thủ trẻ”, ông nói. “Chúng tôi giỏi việc đó. Chúng tôi không như các đội khác có thể bỏ ra hàng núi tiền cho những người đã có kinh nghiệm. Chúng tôi biết Man City sẽ tiêu tiền một cách ngu ngốc, trả những khoản lương lố bịch và nhiều chuyện khác. Chúng tôi chẳng thể làm gì. Chúng tôi tập trung vào những gì chúng tôi có thể làm tốt nhất, đưa về những cầu thủ hợp lý, đầu tư cho dài hạn, cho những người hợp với phong cách và cá tính của CLB, những người sẽ tạo ra sự phấn khích cho các CĐV. Chúng tôi tự hào vì chúng tôi có thể tiếp tục như thế”.

    Nếu kế hoạch A ở Man United là những gì Ferguson nói, thì trong năm nay họ đang triển khai kế hoạch B: trả những khoản phí chuyển nhượng ngu ngốc, những khoản lương lố bịch, cho những cầu thủ đôi khi không hợp chút nào với tính cách của đội bóng.

    Đào tạo trẻ cũng không còn là ưu tiên, khi Man United tìm kiếm những cầu thủ kinh nghiệm, dù đắt giá đến mấy trên TTCN. Ngay cả các cầu thủ trẻ cũng không còn được đầu tư cho dài hạn như trước kia, với trường hợp Luke Shaw là ví dụ: 30 triệu bảng khiến anh trở thành cầu thủ dưới 20 tuổi đắt giá nhất thế giới. Tuy nhiên, không giống Man City, Man United không đầu tư vì tham vọng, bởi họ đang trong cơn hoảng loạn của nỗi sợ thất bại.

    HLV Van Gaal điên cuồng mua sắm mùa Hè này

    Đưa về Radamel Falcao, một hợp đồng cho mượn, nhưng không hề rẻ, cho thấy sự hoảng loạn đó là có thật, và những nguyên tắc đạo đức của thời Ferguson, ngay cả trong thời khắc đen tối nhất với ông, đã bị phá nát, có thể là mãi mãi. Adnan Januzaj không phải là người Anh, nhưng anh là ví dụ điển hình về những nguyên tắc mà Ferguson vẫn tự hào. Nhưng rồi vị trí của anh ở Man United sắp tới là đâu? Làm sao anh có thể cạnh tranh với một hàng công bao gồm Falcao, Juan Mata, Wayne Rooney, Robin van Persie và Angel di Maria?

    Ed Woodward, PCT điều hành đã góp phần quan trọng đẩy Man United vào cuộc khủng hoảng này, mất vài tháng mới thương lượng xong hợp đồng chuyên nghiệp với Januzaj. Thời gian cho việc đó lẽ ra phải ít hơn nhiều nếu như Old Trafford thực sự theo đuổi triết lý thời Ferguson.

    Trừ khi Van Persie lại chấn thương dài ngày, Man United không cần một tiền đạo đắt giá nữa, nhưng rốt cuộc họ vẫn bấm bụng đưa về Falcao. Thêm vào đó, chân sút người Colombia coi việc không được chơi bóng ở Champions League là một bước lùi, nên đã đòi nâng lương khoảng gần 18 triệu bảng mỗi năm, tương đương 280.000 bảng mỗi tuần.

    Rõ ràng những cầu thủ như Falcao hay Di Maria là một sự nâng cấp đáng kể, nhưng họ đồng thời tạo ra sự bối rối không cần thiết cho nhiều cầu thủ khác. Mata sẽ đá ở đâu nếu Falcao và Van Persie chơi tiền đạo, với Rooney chơi ngay phía sau? Và liệu Di Maria có chắc suất trong hàng tiền vệ 3 người của Van Gaal?


    Di Maria sẽ chơi ở đâu khi hàng công M.U đang rất chật chội

    Van Gaal khăng khăng vào cuối tuần rằng ông vẫn tin vào đội hình 3-5-2. Liệu Rooney và Mata giờ sẽ chơi như những tiền vệ trung tâm? HLV người Hà Lan có thể là một thiên tài chiến thuật, nhưng không phải là thầy phù thủy, và ông đang mắc kẹt trong một đống lộn xộn khó có đường ra. Không có đủ chỗ cho tất cả những cầu thủ tấn công đắt giá mà họ đã đưa về, Van Gaal sẽ phải làm ai đó thất vọng và những rủi ro cho không khí trong phòng thay đồ sẽ là không hề nhỏ.

    Ferguson đã sai khi nói Man City chi tiền một cách mù quáng. Đội bóng áo xanh thậm chí còn ra tay kịp thời khi thể hiện sức mạnh tài chính của họp trước lúc luật công bằng tài chính của Chủ tịch UEFA Michel Platini có hiệu lực. Giờ nhìn lại, họ đã làm đúng. 8 cầu thủ tham gia vào chiến thắng trong ngày cuối cùng của mùa giải vô địch 2012, Joe Hart, Vincent Kompany, Pablo Zabaleta, Yaya Toure, David Silva, Samir Nasri, Edin Dzeko và Sergio Aguero, cũng có mặt trong trận cuối cùng của Man City mùa trước, khi họ chính thức giành ngôi vô định trước West Ham. Aleksandar Kolarov là một dự bị không vào sân năm 2012, nhưng ra sân năm 2014. Joleon Lescott và Gael Clichy chơi năm 2012, nhưng là các dự bị không ra sân năm 2014. Sự tiến bộ của Man City có cái giá khá đắt, nhưng là cái giá xứng đáng. Những chữ ký của họ đã đứng vững qua sự thử thách thời gian.

    Thật ra, Man United giờ đã có thể hiểu rõ hơn áp lực với Man City khi đó: buộc phải bán đi những cầu thủ không cần thiết, không có "củ cà rốt" Champions League và mắc kẹt trong một cuộc suy thoái chỉ có thể thoát ra bằng cách chi tiền.


    PCT điều hành Ed Woodward của M.U

    Với tất cả sự giàu có, uy tín và truyền thống của đội bóng áo đỏ, giờ họ đã trở thành một CLB đông CĐV, nhiều tiền, nhưng tương lai ảm đạm. Ngay lúc này, Man United gần như không có tầm nhìn cho dài hạn, với việc mua sắm rất thiếu tính mục tiêu. Luke Shaw, Daley Blind và Marcos Rojo đều có thể đá hậu vệ trái và tiền vệ trái, trong khi Man United đang cần một trung vệ. Di Maria là một tiền vệ cánh, trong khi họ thực sự cần một tiền vệ trung tâm. Falcao là một tiền đạo, trong khi họ đã có trong đội hình 2 chân sút đẳng cấp thế giới là Van Persie và Rooney.

    Tiền bạc mù quáng, những mức lương lố bịch, và còn tệ hơn Man City, các cầu thủ đắt giá của Man United chơi cùng một vị trí. Mức phí tổng cộng của Angel Di Maria, Ander Herrera, Luke Shaw, Marcos Rojo, Vanja Milinkovic, Daley Blind và phí mượn Radamel Falcao tổng cộng lên tới 170 triệu bảng. Tuy nhiên, vài hợp đồng bán cầu thủ, bao gồm Alex Buttner, Bebe và Shinji Kagawa, chỉ giúp Man United thu về khoảng 40 triệu bảng.

    Man United cũng là đội có thu nhập cao nhất ở Anh. Mùa 2012/13, họ có tổng thu nhập 363 triệu bảng, lợi nhuận 146 triệu bảng. Mùa 2013/14, thu nhập của họ khoảng 430 triệu bảng, với lợi nhuận lớn hơn nhiều. Mùa này, thu nhập của họ dự kiến là 500 triệu bảng. Thu nhập của M.U tăng mạnh nhờ các hợp đồng tài trợ mới, với những thương hiệu lớn như Chevrolet và Adidas (giúp họ thu về 80 triệu bảng mỗi năm). Tuy nhiên, sự tăng trưởng về mặt kinh tế hoàn toàn tương phản với chiều sâu đội hình hiện giờ của họ. 
    • 16:53 ngày 02/09/2014

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay