Bóng Đá Plus trên MXH

Big story
Những người dành cả tuổi xuân chờ Liverpool vô địch
 

Những người dành cả tuổi xuân chờ Liverpool vô địch

Man City đã gục ngã trước Chelsea vào rạng sáng 26/6, chính thức biến Liverpool trở thành nhà vô địch Premier League 2019/20, một Premier League đầu tiên của họ, một Premier League đầy biến cố. Họ đã nợ những CĐV trung thành của mình cả một tuổi thanh xuân!
 

Gary Gillespie không còn nhớ mình và các đồng đội đã ăn mừng Liverpool như thế nào khi giành danh hiệu vô địch giải VĐQG Anh vào năm 1990. "Có lẽ, chúng tôi đã cùng nhau uống một vài ly, rồi chém gió về mùa giải đó cùng con đường tới bục nhận Cúp", cựu hậu vệ của The Kop vừa cười, vừa nói với phóng viên của CNN.

Khi đó, Liverpool vô địch như gà đẻ trứng hàng ngày. Đó là danh hiệu vô địch thứ 18 giải đấu cao nhất nước Anh của Lữ đoàn Đỏ, và là danh hiệu thứ ba trong vòng 5 mùa giải. Cứ mỗi khi mùa Hè đến, những chiếc Cúp lại mọc trong phòng truyền thống của Liverpool như nấm.

Nhưng chẳng ai ngờ, chiếc Cúp năm 1990 đó là chức vô địch cuối cùng của The Kop, cho đến tận tháng 6 năm 2020, tức là hơn 30 năm đã trôi qua, đủ biến một đứa bé sơ sinh thành một con người trưởng thành. Dù sao, khi đó, Liverpool đã tận hưởng sự hài lòng nhẹ nhõm sau 1 thập kỷ đau lòng.

Không ai trên thế giới có thể biết được chiến dịch 1989/90 chính là một kết thúc, một điểm dừng hoàn toàn cho những sự kiện không bao giờ có thể lãng quên trong lịch sử bóng đá Anh.

"Mọi người đều đã quen với việc Liverpool chiến thắng và chức vô địch 1990 được coi là hiển nhiên. Thế nhưng, có những thứ trong cuộc sống, vốn rất thân thuộc với bạn bỗng dưng một ngày vụt thẳng vào mặt chúng ta. Một nhà vô địch tuyệt đối bỗng dưng không được nâng cúp trong suốt 30 năm sau", Gillespie nói.

Năm nay được cho là khác biệt. Sau chiến thắng 4-0 trước Crystal Palace vào tối 25/6, thày trò HLV Juergen Klopp đã hơn đội xếp sau là Man City 23 điểm, và cùng với việc Man City thúc thủ trước Chelsea ở trận đấu muộn, họ đã chính thức lên ngôi.

Sau 30 năm khắc khoải chờ đợi, niềm vui vô bờ bến cuối cùng đã đến, và để hiểu rõ cung bậc cảm xúc này, chúng ta cần trở lại với hành trình 3 thập kỷ của những người yêu mến CLB này.

 

Vương quốc Anh của những năm 1980 là thập kỷ của Bà đầm thép – Thủ tướng Margaret Thatcher. Nhưng thành phố Liverpool đang chiến đấu điên cuồng để tìm kiếm sự sinh tồn. Bến cảng Liverpool, trái tim của sự thịnh vượng đã bị suy tim trầm trọng kể từ những năm 1970.

Sản xuất bị thu hẹp, kinh tế bị trì trệ nặng nề, dân số suy giảm, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, lĩnh vực bất động sản đang rơi vào thời kỳ băng hoại và phân huỷ. Liverpool cũng là thành phố đầu tiên ở Anh bị cơn bão trắng Heroine tàn phá ở thời điểm đó và tiếp tục huỷ hoại cả một thế hệ sau nữa.

"Liverpool đã bị buộc phải quỳ gối. Tôi vẫn nhớ hình ảnh một thằng cha CĐV hợm hĩnh của Chelsea, kẻ cầm những tờ 20 bảng khua khua trước mắt chúng tôi và nói: ‘Xem, chúng tao nhiều tiền chưa này’. Đúng như thế", một CĐV trọn đời của Liverpool là Gordon Jenkins, 61 tuổi, kể lại.

Vào một ngày tháng Bảy đỏ lửa của năm 1981, hàng ngàn thần dân của Nữ Hoàng Anh, đứng xếp hàng trên những con phố London, vẫy lá cờ của Đế quốc Hồng Mao để kỷ niệm đám cưới của Thái tử Charles và Công nương Diana.

Cách đó 200 dặm, Liverpool đã bốc cháy. Sự suy thoái kinh tế trầm trọng, kết hợp với xung đột căng thẳng giữa cảnh sát và cộng đồng người gốc châu Phi - Caribbean, đã bùng nổ thành bạo lực, dẫn đến 9 ngày đen tối khiến hàng trăm người bị thương, bị bắt và 1 người chết.

Sự kiện này được biết đến rộng rãi với tên gọi "Vụ bạo loạn ở Toxteth Riots", nhưng dân Liverpool lại gọi đó là một cuộc nổi dậy chính nghĩa. "Đó là một thành phố mất quyền lãnh đạo", bộ trưởng nội các Michael Heseltine, người có công hồi sinh Liverpool sau này nhận xét.

Sau những hệ luỵ của tình trạng bất ổn, các bộ trưởng thân cận nhất của Thủ tướng Thatcher đã nói về hiện tượng "từ chối quản lý" tại thành phố Liverpool, với quan điểm cứng rắn của Bộ trưởng Tài chính Geoffrey Howe: "Chúng ta không được dùng toàn bộ nguồn lực vốn còn hạn chế của mình để bắt nước chảy lên dốc" trong các văn kiện mật được bạch hoá năm 2011.

Đó là trong thập kỷ này, các Liverpudlians tự coi mình là ngoại nhân, tách biệt với phần còn lại của Vương quốc Anh. Thatcher đã đưa phân cực và cực đoan. Một thành phố của giai cấp công nhân tan vỡ, mà trong lịch sử, không phải lúc nào việc nghiêng về chính phủ cũng phải là chân lý.

Nhưng trong những thời điểm gây chia rẽ này, người dân vẫn có bóng đá và 2 trong số những CLB xuất sắc nhất nước Anh là Liverpool và Everton. Những trận đấu tuyệt vời đã đem đến cho giới Liverpudlians những người hùng và niềm hy vọng. Bóng đá, theo Jenkins, đã và vẫn cứ mãi là tấm thảm thần kỳ được dệt nên để chúng ta biết tại sao chúng làm thế và chúng ta là ai?

Từ năm 1981 đến năm 1990, 2 CLB bộ vùng Merseyside đã giành tổng cộng 9 danh hiệu vô địch nước Anh, 2 Cúp C1 châu Âu, 1 Cúp C2, 3 Cúp FA và 3 Cúp Liên đoàn. CLB Liverpool đã trở thành pháo đài của cựu HLV bất khả chiến bại Bill Shankly, người đã dự tính xây dựng lại CLB vào những năm 1960.

Những người kế vị Shankly đều đã mang theo tinh thần và ngọn đuốc của Shankly truyền lại. Từ Bob Paisley, đến Joe Fagan và Kenny Dalglish. Tất cả các HLV này đều nối dài mạch vinh quang, để từ đó dựng nên triều đại của đế chế The Kop.

"Tôi đã ở đó 8 năm và điều tồi tệ nhất mà chúng tôi phải nếm trải là việc về nhì giải đấu. Nếu bạn về nhì, có nghĩa là thất bại, có nghĩa với mùa giải tồi tệ bất kể có giành được những chiếc cúp khác", Gillespie, người đã rời Liverpool đến Celtic năm 1991, kể lại.

Danh hiệu vô địch là mục tiêu đầu tiên và hàng đầu. Có danh hiệu là có tất cả, không có danh hiệu là không có gì. Và điều này càng trở nên đặc biệt ở nửa cuối thập niên 1980, khi các CLB Anh bị cấm thi đấu vô hạn ở châu Âu sau thảm họa Heysel năm 1985.

 

Mặc dù bóng đá đã cứu thành phố trong thập kỷ này, nhưng đó cũng là nguồn gốc của một nỗi đau không thể tưởng tượng được. Vào ngày 15/4/ 1989, các CĐV Liverpool đã bị giẫm đạp tới chết trên khán đài Leppings Lane ở Hillsborough, Sheffield trong trận bán kết FA Cup.

96 người gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị giết một cách bất hợp pháp, và nguyên nhân chỉ được tìm ra sau 28 năm, do sự bất lực của giới cảnh sát và sự bất cẩn trong việc đưa ra các mệnh lệnh của viên sĩ quan chỉ huy.

Các cầu thủ dưới sân đã chứng kiến cảnh tượng ​​những người bị thương và đang hấp hối được khênh đi bằng những cái cáng được làm bằng bảng quảng cáo. Trong những tuần sau đó, họ phải làm hết cách để bày tỏ sự chia sẻ với mất mát này. Dalglish, khi đó 38 tuổi, vừa là cầu thủ vừa kiêm HLV, đã phải tham dự 4 đám tang mỗi ngày.

Nỗi đau càng chất chồng thêm bởi những lời buộc tội sai lầm, được công bố trên trang nhất của tờ The Sun thuộc sở hữu của Rupert Murdoch. Tờ báo này đã đăng những bức ảnh kinh khủng chụp cảnh các CĐV Liverpool đái vào cảnh sát và móc túi các tử thi.

Đây là thảm họa đã khiến nhiều cầu thủ bị sốc. Nhiều cầu thủ Liverpool vẫn không thích nói về thảm kịch này.

Vào đầu năm đó, nhà đương kim vô địch Liverpool đã đứng một vị trí xa lạ: thứ Năm trên BXH, kém đội đầu bảng Arsenal 9 điểm. Và vì vậy, nửa sau của mùa giải đã chứng kiến một cuộc bám đuổi nghẹt thở, và kết thúc bằng việc Liverpool lấy lại được ngôi đầu từ tay Arsenal khi giải đấu còn 2 trận. Đó là nhờ thành tích thắng 21 trận trong chuỗi 24 trận. Tuy nhiên, chức vô địch mùa giải đó vẫn chưa chính thức thuộc về họ. Người quyết định danh hiệu cuối mùa vẫn còn chưa đến.

Chuyến làm khách vào tháng Tư của Arsenal tới Anfield đã được dời lại đến vòng cuối cùng của mùa giải vì thảm họa Hillsborough. Điều này khiến những người London nổi điên và họ đã đến với tâm thế ăn tươi nuốt sống The Kop, những người vừa vô địch FA Cup 6 ngày trước.

Họ phải thắng Liverpool với cách biệt 2 bàn thì mới có thể vô địch. Không ai tin được việc Arsenal sẽ vô địch, nhưng khi trận đấu tối diễn ra vào tối thứ Sáu năm đó kết thúc, nó đã trở thành huyền thoại ngay khi tiếng còi mãn cuộc vang lên.

Trong một kết thúc đầy ảo giác, với những giây còn lại của trận đấu, Pháo thủ vẫn chỉ dẫn trước 1-0, đột nhiên tiền vệ Michael Thomas của Arsenal ghi bàn thắng phi thường, đem lại chiến thắng 2-0 phi thường và một chức vô địch phi thường.

Khi tiếng còi kết trận vang lên, các máy quay truyền hình ghi lại cảnh Dalglish đang đứng hoá đá, ánh mắt như biến mất vào hư không. Bàn thắng của Thomas đã quật đổ các cầu thủ Liverpool xuống sân, những người phải chơi 3 trận một tuần, đã phải đến dự tất cả các đám tang và rất nhiều người trong số họ đã kiệt sức.

Đối với những người đã, chứng kiến trận chung kết mùa 1988/89, trận đấu này vẫn luôn sống mạnh mẽ trong ký ức. Nhưng khi các cầu thủ của Liverpool trở lại tập luyện trước mùa giải mới 4 tuần sau đó, không ai ở CLB đề cập đến thất bại này, hay thậm chí là chiến dịch trước đó.

Đội ngũ huấn luyện, HLV đã truyền đạt tinh thần mới của CLB là không bao giờ nhìn lại, không bao giờ nán lại, bất kể đã giành được danh hiệu hay mất nó. Những gì đã diễn ra chỉ là một vòng vân gỗ khác nữa mà thôi. Tất cả hướng tới mùa giải 1989/90.

Liverpool chỉ ký được 1 hợp đồng lớn vào mùa Hè 1989. Đó là hậu vệ Glenn Hysen người Thụy Điển, mua từ Fiorentina với giá 600.000 bảng. Mùa giải mới bắt đầu với chuỗi 8 trận bất bại, bao gồm cả trận tàn sát Crystal Palace 9-0, cho dù đây không phải là một trận đấu kinh điển của Liverpool.

Trận thua 1-4 trước Southampton đã dẫn đến một hiện trạng giống mùa giải trước, khi Aston Villa thay thế vị trí của Arsenal. Tuy nhiên, Aston Villa đã không thể làm được như Arsenal. Trận thua của họ trên sân nhà trước Man City cùng trận hoà 3-3 với Norwich đã khiến kẻ săn mồi dày dạn Liverpool tận dụng.

Vào ngày 28/4/1990, sau khi đánh bại QPR 2-1 tại Anfield, Liverpool đã lấy lại danh hiệu. "Để giành lại chức vô địch sau khi vừa trải qua 1 thập kỷ tang thương quả là một thành tích đáng nể", fan trung thành Gordon tán thưởng.

Liverpool đã thành công quá lâu và chuyện ăn mừng một chức vô địch, cho dù vẫn là một đặc ân tuyệt vời với những CĐV như Gordon, cũng chỉ giống như việc nhà bạn bị cúp điện 1 ngày, và được cung cấp lại dịch vụ. Chứ không phải điều gì đó quá lớn lao.

Điện thoại thông minh hay mạng xã hội là một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện tại. Nhưng vào mùa Hè năm 1990 đó, các phát thanh viên của sân Anfield vẫn phải dùng loa phóng thanh để thông báo cho người hâm mộ biết rằng Liverpool đã giành chức vô địch thứ 6 trong 10 năm.

Khi được tham dự trận đấu ở Anfield đầu tiên vào ngày hôm đó, John Gibbons mới chỉ là cậu bé 7 tuổi. Khi các cầu thủ của Liverpool đi vòng quanh sân cỏ để ăn mừng cùng người hâm mộ thì thủ môn Bruce Grobbelaar bắt nhịp bài hát truyền thống "You’ll Never Walk Alone". Gibbons vẫn nhớ việc cậu đứng lên ghế ngồi để cùng hát đến nổ phổi bài hát đó.

"Tất cả đều rất tự tin vào tháng ngày thành công tiếp nối. Thật là cuồng nhiệt, và lúc đó, nếu có ai nói phải 30 năm sau điều này mới tái hiện thì đó hẳn phải là thằng điên. Không ai sẽ tin hắn", Gibbons nói với đài CNN. Sau đó Liverpool có 10 tháng để xả áp lực.

Nhưng vào đầu những năm 1990, Liverpool đã học được rằng ngay cả những CLB tuyệt vời cũng không thể tạm dừng để lấy hơi. Như Shankly đã từng nói: "Bóng đá không bao giờ ngừng. Nó cứ cuồn cuộn như một dòng sông".

Vào sáng ngày 22/2/1991, với 3 tháng còn lại của mùa giải 1990/91, các nhiếp ảnh gia, đoàn làm phim truyền hình và nhà báo đã tập hợp tại Anfield.

Tờ Liverpool Echo đã chuẩn bị sẵn nội dung trang nhất vì họ biết điều gì sẽ đến: HLV Dalglish sẽ từ chức khi Liverpool kém đội đầu bảng 3 điểm. Một người Kenny Dalglish đã tự đẩy mình đến giới hạn và mặt ông lạnh tanh chớp nháng những ánh đèn flash trong cuộc họp báo.

Là một cầu thủ của Liverpool, Dalglish đã giành được 3 Cúp C1 châu Âu, 5 chức VĐQG và 4 Cúp Liên đoàn. Khi ngồi ghế HLV, ông giành thêm 3 chức VĐQG, 2 FA Cup, đồng thời một cú đúp quốc nội gồm chức VĐQG và FA Cup khi là cầu thủ kiêm HLV.

Nhưng đây là một người đàn ông cũng đã gánh chịu nỗi đau vĩ đại của thành phố. Trong một bộ phim tài liệu gần đây về người đàn ông được coi là cầu thủ vĩ đại nhất của Liverpool, gia đình của Dalglish đã nói về tác động từ vụ Hillsborough gây ra cho ông: đêm mất ngủ, tâm trạng rối loạn.

Dalglish cũng đã phải chịu trách nhiệm về việc 39 người hâm mộ Juventus bị chết trước trận chung kết cúp châu Âu giữa Liverpool và Juventus tại thành phố Brussels của Bỉ. Những CĐV, người trẻ nhất mới chỉ 11 tuổi, đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp trên sân Heysel đổ nát, trước khi trận đấu diễn ra. "Nhưng mọi thứ trở nên sai lầm khi Dalglish từ chức", Gillespie nói.

Các vết nứt lần đầu tiên xuất hiện khi Liverpool thua trận bán kết FA Cup với Crystal Palace vào năm 1990 và càng ngày nó càng trở nên sâu sắc.

Những cầu thủ nổi tiếng của thế hệ đó đã hết thời và ra đi. HLV mới Graeme Souness đã đem về những bản hợp đồng đắt giá, không phù hợp.

Cách đó 30 dặm, đối thủ lớn Man United đã sẵn sàng để thống trị bóng đá Anh. Sự ra đời của Premier League vào năm 1992 đã dẫn đến một sự bùng nổ: sự giàu có, hào nhoáng và toàn cầu hóa trong bóng đá Anh. Thành công trên sân cỏ giúp Man United phát triển thương mại.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian năm 2002, HLV Alex Ferguson, người sẽ dẫn dắt tới 13 chức vô địch Premier League, đã thốt ra một câu rất nổi tiếng: "Thách thức lớn nhất của tôi là hạ gục và vùi dập Liverpool xuống bùn ngay lập tức".

Với 20 danh hiệu vô địch nước Anh, so với con số 18 của Liverpool, Man United vẫn có thể cất cao tiếng gáy. Nhưng sau mùa giải này, Liverpool đã rút ngắn tỉ số xuống còn 19-20, và Man United không còn là lực lượng thống trị như trước đây.

Nhiều người hâm mộ của Liverpool đã thường yêu cầu selfie với Chris Bolland, một CĐV 63 tuổi đã dành cả cuộc đời "đi bộ cùng CLB" ở Anfield. Đây là một gương mặt quen thuộc trên khán đài từ năm 1966, và ông nhớ rất rõ những danh hiệu của đội bóng. Nhưng cả hai con trai của ông đều không có được niềm vui khi chứng kiến ​​The Kop nâng cúp vô địch.

Gia đình ông đã trải qua những cú suýt vô địch trong suốt 3 thập kỷ qua ví dụ như 2 lần kết thúc mùa giải với vị trí Á quân dưới thời HLV Rafael Benitez và Brendan Rodgers, hay cuộc đua kinh hoàng mùa trước khi về nhì với 97 điểm. Niềm hy vọng của họ không thiếu, chỉ là không hoàn toàn tin tưởng như trước.

Mùa này, đội bóng của HLV Klopp mới chỉ đánh mất 7 điểm. Chưa bao giờ có một đội đua vô địch Premier League theo cách không ngừng nghỉ, không khoan nhượng như vậy. Nhưng khi bóng đá bị huỷ hoại bởi Covid-19, người ta lại hoang mang khi không biết điều gì sẽ xảy ra? Liverpool không thể vô địch do giải đấu bị huỷ?

Nỗi lo sợ lại bao phủ Anfield như ở cuộc đua mùa trước với Man City. Liệu rằng có biến cố nào khiến chiếc Cúp Premier League lại vỡ tan như bong bóng xà phòng? Sau khi vô địch Champions League mùa trước - chiếc cúp lớn đầu tiên của Klopp, với tư cách HLV của Liverpool - The Kop đã củng cố niềm tin của NHM. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ với số phận.

Joy Bratherton, 64 tuổi, chuyển nhà đến Liverpool vào năm 1974 để gần Anfield hơn. CĐV nữ này đã phải chịu đựng những đêm mất ngủ trong suốt 3 tháng bóng đá ngừng lăn và nguy cơ đại dịch toàn cầu huỷ diệt chức vô địch của Liverpool.

"Liệu Liverpool sẽ vô địch Premier League hay không? Điều đầu tiên tôi nghĩ đến vào buổi sáng và điều cuối cùng tôi nghĩ đến vào ban đêm chỉ là câu hỏi đó. Tôi đang có những giấc mơ rất hỗn tạp khi ngủ chập chờn. Sự căng thẳng của hai mùa vừa qua đã quá sức chịu đựng của tôi", bà nói.

Việc đánh bại Man United vào tháng 1 đã tạo đà cho những tiếng tụng ca đầu tiên của NHM Liverpool vang lên khắp Anfield. Những biểu ngữ mới cũng xuất hiện trên khán đài vào đầu năm 2020 với nội dung: "Cánh chim phượng hoàng chúa đã trở lại".

Nhưng những cái chết và sự sợ hãi do virus Corona gây ra đã thay đổi quan điểm. Ước mơ giành được một danh hiệu giải đấu đầu tiên trong 30 năm không còn là tất cả.

"Không thể vô địch thì sẽ vô địch trong tương lai gần. Nó hoàn toàn không thành vấn đề. Bạn sẽ không bao giờ đi một mình không chỉ là một bài hát mà còn là một tuyên ngôn của đội bóng và con người Liverpool.

Nếu chúng tôi không vô địch vì nó bị huỷ bỏ thì điều đó sẽ không công bằng nhưng không phải là thảm họa. Sự chờ đợi thực sự đáng giá là chúng ta có thể chơi bóng được nữa không? Sự chờ đợi đó đau đớn hơn việc chúng ta có vô địch hay không", ông lão Gordon nói.

Nhưng quả là ông Trời chẳng phụ người có tâm. Hơn 10 ngày trước, Premier League đã chính thức trở lại. Sau trận hoà thất vọng với Everton ở màn tái xuất, Liverpool đã thò một tay vào Cúp Bạc nhờ chiến thắng 4-0 trước Crystal Palace đêm qua.

Và khi mà Man City gục ngã trước Chelsea, những Jenkins Gordon, Joy Bratherton, Chris Bolland và hai người con trai của mình có thể sung sướng hát vang: "Năm nay đúng là năm của chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ phải đi một mình!".

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.ketquahanoi.com

 

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay