Đời không như là mơ
Đáng ra giờ này các fan M.U chỉ cần bàn về lá thăm đưa Quỷ đỏ đụng độ Barcelona tại tứ kết Champions League. Vậy mà fan M.U vẫn phải xôn xao cảm thương cho một trong những tiền vệ xuất sắc nhất lịch sử đội nhà. Không cảm thương sao được khi mà thần tượng Paul Scholes của biết bao người vừa phải rời ghế HLV của Oldham sau thời gian quá ngắn ngủi. Scholes ngồi vào chiếc ghế này từ ngày 11/2/2019. Đến ngày 13/3 vừa qua thì ngôi sao 44 tuổi người Anh thông báo quyết định từ chức. Tính ra nhiệm kỳ HLV chính thức đầu tiên của Scholes chỉ kéo dài đúng 31 ngày.
Scholes cho biết: “Thật là đáng tiếc biết bao khi tôi phải quyết định chia tay Oldham ngay lập tức. Tôi đã rất hi vọng ít nhất cũng có thể thực hiện hết bản hợp đồng 18 tháng với đội bóng mà tôi cổ vũ suốt cuộc đời mình này. Các fan, các cầu thủ, các bạn của tôi cũng như gia đình tôi đều biết rõ tôi đã háo hức như thế nào khi nhận trọng trách dẫn dắt Oldham. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn nhận trọng trách ấy, thật không may là mọi thứ trở nên quá rõ ràng rằng tôi không thể làm những gì như mình mong muốn ở đây. Tôi chúc các fan, các cầu thủ và các nhân viên ở đây - những người thật tuyệt vời - những điều tốt đẹp nhất ở phần còn lại của mùa giải. Tôi sẽ tiếp tục theo dõi và cổ vũ Oldham với tư cách một người hâm mộ”.
Ông chủ của Oldham, Lemsagam (phải) liên tục ép Scholes dùng cầu thủ nào, bỏ cầu thủ nào
Scholes hâm mộ Oldham từ bé. Tiếc rằng giấc mộng đẹp mà Scholes háo hức xây đắp với Oldham đã không thành. Chỉ có ác mộng mà thôi. Sau 7 trận Scholes dẫn dắt Oldham, đội bóng này chỉ thắng được 1 trận, hòa 3 trận và thua 3 trận. Tỷ lệ thắng trận của HLV Paul Scholes tại Oldham chỉ đạt 14%. Oldham đã tụt xuống vị trí thứ 14 trên BXH giải League Two của Anh.
31 ngày ác mộng
Phong độ tệ hại trên sân cỏ của Oldham không phải điều ác mộng nhất với Scholes. Ác mộng thực sự với anh là hàng loạt vấn đề siêu “củ chuối” hơn nhiều. Scholes nhận thấy anh đã bị bội ước ở đây.
Khi ký hợp đồng dẫn dắt Oldham, Scholes đã rất chú trọng điều khoản BLĐ đội bóng không được can thiệp vào các quyết định chuyên môn của anh. Vậy nhưng thực tế ngược lại hoàn toàn. Ông chủ người Morocco, Abdallah Lemsagam của Oldham can thiệp trắng trợn vào việc dùng cầu thủ nào, bỏ cầu thủ nào của Scholes. Thậm chí đến cả em trai của Lemsagam, đồng thời là GĐTT của Oldham, Mohamed cũng gửi thư điện tử yêu cầu Scholes xếp những ai trong đội hình xuất phát của đội nhà.
Anh em Lemsagam biết trước đội hình xuất phát mà Scholes định bố trí trước mỗi trận đấu của Oldham. Tức là dưới trướng Scholes có cầu thủ chuyên tuồn thông tin bí mật của thầy trò Scholes cho anh em Lemsagam. Scholes trong các buổi tập của Oldham đã phải đe dọa: “Kẻ nào mà làm lộ thông tin về đội hình thì không bao giờ còn chỗ trong kế hoạch của tôi nữa”. Dù vậy, anh em Lemsagam vẫn cứ can thiệp vào các quyết định nhân sự của Scholes. Nguồn tin của tờ Daily Mail tiết lộ có cầu thủ bị anh em Lemsagam cấm cửa khỏi sân tập của Oldham mà Scholes không hề hay biết.
Những điều “củ chuối” vẫn chưa dừng lại. Có trận thầy trò Scholes tập trung di chuyển lên xe bus của đội nhà nhưng không thấy xe đâu cả. Và thế là một vài lần khác thầy trò Scholes phải tự di chuyển bằng xe riêng của mình. Nực cười hơn nữa, các cầu thủ Scholes phải tự mang quần áo thi đấu và quần áo tập của mình về nhà giặt. Ai không tự giặt được thì mang quần áo của mình ra hiệu giặt. Chứ ở Oldham không có gas để phục vụ việc sấy quần áo. Gas ở đây đã bị cắt.
Không phải trận nào thầy trò Scholes cũng có xe bus mà đi
Xe bus thì không đến. Gas thì bị cắt. Tất cả cũng chỉ vì các hóa đơn thuê xe bus và hóa đơn mua gas của Oldham đã không được thanh toán. Vẫn nguồn tin của Daily Mail tiết lộ thêm rằng Oldham còn nợ tiền mua áo tập đã 2 năm nay.
Thực tế ấy phơi bày sự thật rõ ràng rằng ông chủ Lemsagam đã bỏ bê việc đầu tư tiền vào Oldham. Việc can thiệp vào chuyên môn của HLV thì Lemsagam có thừa. Nhưng việc rót tiền cho đội nhà thì Lemsagam lại quá thiếu.
Vẫn biết Oldham chỉ là đội bóng chơi ở giải League Two, tương đương hạng 4 của Anh. Oldham kém xa các đội bóng ở Premier League. Song sự thật bị phơi bày ở Oldham vẫn thật khó tưởng tượng với mọi người. Và nó quá phũ phàng với Scholes. Làm sao Scholes có đem về cho Oldham chiến thắng với những mớ bòng bong và những bất cập siêu “củ chuối” như vậy? Nên dù yêu Oldham đến mấy, Scholes vẫn phải đưa ra quyết định ra đi. Và cũng hiểu vì sao khi gửi lời chào, lời chúc tạm biệt, Scholes chỉ nhắc tới các fan, cầu thủ và nhân viên của Oldham.
“Ông chủ tồi tệ nhất” Thực ra ông chủ Lemsagam của Oldham đã bị chỉ trích nặng nề từ hồi mùa Hè năm ngoái. Người lớn tiếng công kích Lemsagam là tiền đạo Xứ Wales, Craig Davies. Sau khi chuyển từ Oldham sang Mansfield Town, Davies cho biết: “Trong 14 năm chơi bóng chuyên nghiệp của mình, tôi chưa bao giờ gặp phải ông chủ nào tồi tệ như Lemsagam. Ông ta thường miệt thị cầu thủ trước đông người, chậm lương và đôi khi chỉ trả lương cho những cầu thủ mà ông ta thích”. Thế hệ vàng lận đận Thế hệ 92’ của M.U thời còn xỏ giày thi đấu rất huy hoàng. Nhưng khi chuyển sang nghiệp cầm quân, họ lại vô cùng lận đận. Ryan Giggs (ảnh) chỉ ngồi ghế HLV tạm quyền của M.U trong 19 ngày. Paul Scholes ngồi ghế HLV của Oldham trong 31 ngày. Còn Gary Neville khá hơn một chút cũng chỉ tại vị HLV ở Valencia được 119 ngày. Giờ Giggs dẫn dắt ĐT Xứ Wales, Phil Neville thì nắm quân tại… ĐT nữ của Anh. |