Indonesia vừa hay lẫn may
Năm 2023, Indonesia lần đầu tiên góp mặt tại VCK U17 World Cup nhờ tư cách chủ nhà của giải. 23 đội tuyển còn lại đều ít nhất 1 lần tranh tài ở giải thế giới trước đó. Cũng dễ hiểu, bất chấp những nỗ lực với 2 trận hoà trước Ecuador cùng Panama, U17 Indonesia vẫn bị loại ngay từ vòng bảng.
2 năm sau, U17 Indonesia không còn tư cách chủ nhà của World Cup. Cũng giống các đại diện khác của Đông Nam Á như Việt Nam hay Thái Lan, Indonesia buộc phải vượt qua vòng đấu bảng VCK U17 châu Á 2025 với tư cách 1 trong 2 đội dẫn đầu bảng, nếu như muốn có lần thứ 2 góp mặt ở U17 World Cup.
Trước đó ở vòng loại, Indonesia chỉ đứng thứ 2 do kém xa hiệu số bàn thắng bại với đội đầu bảng Australia. Cả hai cùng có 7 điểm nhưng Australia có hiệu số +21 trong khi Indonesia chỉ là +11. Cộng với đó, thành tích khiêm tốn ở 3 VCK U17 châu Á các năm 2016, 2018 và 2023 khiến Indonesia rơi xuống nhóm cuối cùng trước lễ bốc thăm chia bảng.
Tuy nhiên, lá thăm may rủi lại đưa Indonesia vào bảng đấu có thể xem là dễ chịu nhất. Không tính Hàn Quốc, các đối thủ cùng bảng với Indonesia đều được xếp vào diện “nhẹ” nhất của từng nhóm hạt giống tương ứng. Có thể kể đến như Yemen (nhóm 2) hay Afghanistan (nhóm 3).
Dẫu vậy, trước khi có 2 chiến thắng trước đối thủ này, U17 Indonesia đã có một trận đấu hay trước U17 Hàn Quốc - đương kim á quân của giải đấu. Thắng lợi 1-0 mà Indonesia có được hoàn toàn đến từ một chiến lược kiên nhẫn, điềm tĩnh và phù hợp. Nên nhớ, duy chỉ có Indonesia là đội nằm ở nhóm số 4 thắng được đại diện ở nhóm hạt giống số 1 tại vòng bảng. Trong khi đó, lần lượt những đội cùng nhóm với Indonesia như UAE, Triều Tiên hay Trung Quốc đều không thể đánh bại Saudi Arabia, Nhật Bản hay Iran.
Thêm vào đó, Indonesia cũng thắng 4-1 trước Yemen. Nên nhớ, đây chính là đối thủ mà U17 Việt Nam phải vất vả cầm chân ở lượt cuối vòng loại giải châu Á. Nhờ vậy, Indonesia cũng là 1 trong 2 đội hiếm hoi cùng với Uzbekistan toàn thắng ở vòng bảng. May mắn là một phần của thực lực. Dù ở bảng đấu thuận lợi hơn so với phần còn lại, U17 Indonesia cũng phải có sự tập trung cao độ cùng hội tụ sức mạnh để có thể đạt được thành tích toàn thắng kể trên.
Đằng sau tấm vé World Cup
Ngay sau khi dự World Cup, U17 Indonesia “phơi áo” 0-6 trước U17 Triều Tiên. Đây cũng là thất bại đậm nhất trong lịch sử các vòng tứ kết U17 châu Á. Một số ý kiến lập tức mỉa mai Indonesia đã may mắn ở vòng bảng, dẫn tới việc giành vé đi World Cup. Nhưng ngoài phân tích về lộ trình đan xen cả may lẫn hay của Indonesia ở vòng bảng kể trên, chúng ta cũng cần nhìn lại yếu tố khách quan đối thủ Triều Tiên cũng như quá trình đầu tư, chuẩn bị cho bóng đá trẻ đất nước vạn đảo hướng đến giải thế giới.
CNN Indonesia phân tích về đối thủ: "Triều Tiên thể hiện tinh thần thi đấu phi thường và chất lượng chơi bóng đáng kinh ngạc”. “Triều Tiên rõ ràng là đội bóng chắc chắn hơn khi có sự kết nối tốt. Họ dùng đến 8 cầu thủ cùng đến từ câu lạc bộ rất mạnh là 25 Tháng 4”, cây viết Israr Itah nói thêm.
Về phần mình, dù chịu thua ê chề trước một Triều Tiên mạnh hơn nhưng Indonesia cũng đã khép lại một hành trình mà họ đã làm tốt, khi chinh phục được mục tiêu đề ra là tấm vé dự VCK U17 World Cup lần thứ 2 liên tiếp. Được biết, Indonesia đã chuẩn bị kĩ càng cho giải đấu cấp châu lục từ trước ngày khởi tranh hơn 1 năm. LĐBĐ Indonesia cho triệu tập hàng chục cầu thủ trẻ để HLV Nova Arianto tùy ý kiểm tra, tuyển chọn.
Số cầu thủ này được chia làm nhiều nhóm. Họ trải qua các bài kiểm tra và có 3-4 ngày thể hiện năng lực của mình. Sau đó, HLV Arianto mới rút gọn danh sách gồm những cái tên tốt nhất. Các cầu thủ 16, 17 tuổi của Indonesia phải tuân thủ kỷ luật từ BHL. Họ bị thu toàn bộ điện thoại vào lúc 21h30 mỗi ngày. Ai vi phạm hoặc cố tình dùng điện thoại cũng bị đuổi về câu lạc bộ. Ngoài ra, bất kì ai muộn giờ tập hoặc muộn giờ ăn cơm đều lập tức bị loại khỏi đội U16, U17 quốc gia.
Nhưng ở tầm vĩ mô, bóng đá Indonesia đầu tư lớn. Các cầu thủ trẻ được tập huấn dài hạn ở Tây Ban Nha, dự nhiều trận đấu giao hữu với các đối thủ chất lượng. Ngoài ra, bóng đá trẻ Indonesia có 3 giải đấu cùng diễn ra nhằm đảm bảo các cầu thủ luôn được thi đấu từ 30-35 trận mỗi năm. Nếu như Soeratin Cup có giá trị tương đương như Hội khoẻ Phù Đổng của Việt Nam thì 2 giải đấu U17 Quốc gia và Elite Pro Academy đóng vai trò “xương sống” cho sự phát triển của các cầu thủ trẻ Indonesia.
Giải U17 Quốc gia Indonesia có cách thức phát triển tương đương với U17 Quốc gia của Việt Nam. Theo đó, giải sẽ tập hợp nhiều đội trẻ thuộc các CLB chuyên nghiệp đến từ giải VĐQG, hạng nhất Indonesia cũng như các học viện bóng đá nổi bật. Trong đó, vòng loại khu vực được tổ chức theo từng tỉnh, thành hoặc khu vực. Các đội mạnh nhất ở vòng loại sẽ tiến vào VCK toàn quốc.
Elite Pro Academy đóng vai trò cách mạng cho phát triển bóng đá trẻ tại Indonesia nói riêng và toàn Đông Nam Á nói chung. Nhận thấy tiềm năng dự giải thế giới ở lứa U17 và U20, bắt đầu từ năm 2018, ý tưởng xây dựng một giải đấu trẻ mang tính chuyên dành riêng cho các cầu thủ 13-19 tuổi của Indonesia đã trở thành hiện thực. Giải đấu này được tổ chức theo thể thức mùa bóng, áp dụng cả VAR vào những trận đấu có tính quan trọng.
Với những khoản đầu tư nghiêm túc kể trên, việc U17 Indonesia vào VCK U17 World Cup cũng là điều hợp lý. Ngay sau thất bại 0-6 trước Triều Tiên, tổ chức này đã sớm bắt tay vào kế hoạch để đội tuyển trẻ đất nước Vạn đảo không nhận thêm cú sốc tương tự khi tham gia giải thế giới.
“Chúng tôi đã đạt mục tiêu dự World Cup. Tất nhiên, đội bóng không được tự mãn Chúng tôi cần nâng cao thành tích. Lần gần nhất Indonesia đứng thứ tư tại giải U17 châu Á là năm 1990", ông Erick Thohir - Chủ tịch LĐBĐ Indonesia, giao nhiệm vụ cho đội nhà.