Bóng Đá Plus trên MXH

Big story
Bóng Đá & Thể Thao run rẩy dưới lưỡi hái Tử thần COVID-19
 

Bóng Đá & Thể Thao run rẩy dưới lưỡi hái Tử thần COVID-19

Trong lịch sử bóng đá, chỉ có 2 lần trái bóng ngừng lăn. Đó là 2 kỳ World Cup liên tiếp vào năm 1942 và 1946, khi cả nhân loại bước vào cuộc tàn sát rùng rợn của Chiến tranh Thế giới II. Hơn một nửa thế kỷ qua, trái bóng đã có một cuộc đời tươi đẹp, sung sức và mạnh mẽ. Cho đến khi, lưỡi hái dịch bệnh của Tử thần COVID-19 lại bao phủ một bức màn đen tối, chết chóc trên mọi sân cỏ của hành tinh này.
 

Vào lúc gần nửa đêm ngày 11/03/2020, rất nhiều tín đồ túc cầu giáo đang chờ đợi được chứng kiến những trận cầu hấp dẫn ở vòng knock-out thứ nhất Champions League, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố chính thức: COVID-19 là Đại Dịch Toàn Cầu. Hãy nhớ khái niệm này, không phải bệnh hay bệnh dịch nữa mà đại dịch (Pandemic).

Như thế, có nghĩa là mức độ nghiêm trọng của đại dịch này đã được đẩy lên mức cao nhất, đòi hỏi toàn nhân loại có thái độ, hành động và chiến lược đối phó ở mức tối đa; biến đây thành mối quan tâm hàng đầu của từng châu lục, từng quốc gia, từng công dân, chứ không phải chỉ số GDP, giá dầu tăng hay giảm, hoặc Liverpool có vô địch Premier League hay không.

Trở lại tháng 12/2019, khi cả đất nước Việt Nam phấn khởi ăn mừng chiến công vô địch SEA Games của bóng đá nước nhà, ở cả đội tuyển nam và đội tuyển nữ, và bắt đầu mơ mộng về một năm 2020 tươi sáng hơn với những mục tiêu cao vời hơn ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á hay những giải đấu lớn trong năm.

Nhưng đó cũng là lúc virus gây bệnh viêm phổi cấp do chủng virus mới SARS- CoV-2 bắt đầu xuất hiện và xâm nhập vào cơ thể của người dân ở thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Không ai để ý tới điều này, bởi mỗi ngày, chúng ta đã phải đón nhận quá nhiều tin tức về bệnh tật, chết chóc.

Ngay cả khi cả thành phố Vũ Hán bị phong toả, cách ly triệt để vào hồi tháng 1/2020, trong sự kinh hoàng ngày càng dâng cao về số lượng người bị nhiễm, số lượng người tử vong, tốc độ lây lan tại vùng dịch và vùng khác ở Trung Quốc, thì trái bóng vẫn trên sân cỏ, và các môn thể thao khác vẫn cứ diễn ra.

Bóng đá gần như miễn nhiễm với COVID-19. Có sao đâu, khi đại dịch AIDS bùng nổ, chúng ta vẫn đá bóng, vẫn chơi thể thao. Hay khi đại dịch cúm lợn H1N1 lan tràn, các sân cỏ vẫn sáng đèn vào mỗi tối cuối tuần, không có sự kiện nào như World Cup, EURO, CAN, Copa America, Champions League hay V.League phải ngừng cả.

Song với đại dịch COVID-19, mọi thứ dường như lại diễn biến theo hướng khác, một kịch bản mà không thể có tác giả thuộc trường phái bi quan và u ám nào có thể nghĩ ra. Tốc độ lây lan khủng khiếp của chủng virus viêm phổi cấp mới này đã quật đổ mọi hệ thống cơ sở y tế, dịch tễ, đẩy mọi xã hội vào cơn hoảng loạn không thể kiềm chế.

Sự nguy hiểm của virus Corona và sự nguy hiểm của nỗi sợ dịch bệnh này đã khiến mối liên lạc của toàn bộ nhân loại bị cắt đứt, phân lập, cách ly. Những quận huyện bị phong toả, những thành phố bị cách ly, những quốc gia bị quây trong bức màn sắt. Mọi vận động, hoạt động của thế giới đều bị đình chỉ.

Tính đến thời điểm bài viết này, trên toàn thế giới, đã có 134.685 ca nhiễm virus Corona, gây ra cái chết của 4.973 người. COVID-19 đã xuất hiện ở 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, tính đến thời điểm này, đã ghi nhận 39 trường hợp mắc bệnh và hàng nghìn người phải thực hiện cách ly.

Và bóng đá và thể thao cũng không thể tránh được tác động của đại dịch COVID- 19. Không phải đến khi tiền đạo Odion Ighalo được Man United mượn từ Thân Hoa Thượng Hải bị cách ly khỏi những đồng đội mới khi mới sang Anh; không phải đến khi nữ cầu thủ futsal Elham Sheikhi của Iran bị chết vì virus Corona, bóng đá mới cảm nhận thấy hơi lạnh của Tử thần COVID-19.

Hàng loạt các trận đấu phải diễn ra trong sân vận động khép kín không khán giả, nhiều giải vô địch quốc gia bị hoãn vô thời hạn, một số giải đấu bị hủy bỏ… Đó là vài nét phác họa các hoạt động thể thao của thế giới trong những ngày qua khi mà đại dịch COVID-19 không ngừng lây lan ra khắp các châu lục trên thế giới.

Càng ngày, tác động của đại dịch COVID-19 càng đe doạ mạnh mẽ đến bóng đá. Tại Việt Nam, lịch thi đấu của V.League đã phải dời ngày khởi tranh, trận tranh Siêu Cúp Quốc gia và những trận đấu ở vòng 1 V.League 2020 đã phải diễn ra trong sân vận động không có khán giả.

Ngay trong ngày 11/3, trận play-off lượt về tranh vé dự Thế Vận Hội Tokyo 2020 giữa ĐT nữ Việt Nam và ĐT nữ Australia cũng phải diễn ra trên sân vận động Cẩm Phả vắng bóng khán giả, tương tự như trận lượt về vòng knock-out Champions League giữa Valencia và Atalanta đêm thứ Ba vừa qua.

Ngay trước đó, FIFA cũng đã tuyên bố hoãn tất cả các trận đấu ở vòng loại World Cup 2020 khu vực châu Á diễn ra trong tháng 3 và tháng 6, trong đó có cả ĐT Việt Nam ở bảng G. Như thế, trận đấu giữa ĐT Việt Nam và Malaysia sẽ bị lùi đến tháng 10/2020 mới có thể diễn ra. Tương tự là trận giao hữu giữa đội bóng của HLV Park Hang Seo với ĐT Kyrgyzstan tại Bình Dương theo như kế hoạch đã lên lịch trước đây.

Tại Premier League, trận đấu bù giữa Man City và Arsenal vào đêm 12/3 cũng đã chính thức bị huỷ bỏ bởi thông tin nhiều cầu thủ của Arsenal đã tiếp xúc với ông chủ Evangelos Marinakis của CLB Olympiacos và Nottingham, người bị xác định dương tính với virus Corona chỉ 2 tuần sau trận đấu giữa Arsenal và Olympiacos tại Europa League.

Hệ quả là, chỉ 1 ngày trước khi vòng 30 Premier League 2019/20, những tin dữ ồ ạt đổ về. HLV Mikel Arteta của Arsenal chính thức bị dương tính với virus Corona và buộc phải cách ly. Tiền vệ Callum Hudson-Odoi của Chelsea cũng có kết quả tương tự, buộc Chelsea phải đóng cửa khu tập luyện của đội Một và cách ly những người có tiếp xúc với cầu thủ này.

Trong khi đó, Leicester City cũng thừa nhận có 3 cầu thủ bị nhiễm bệnh, nhưng từ chối nêu tên. Còn hậu vệ Benjamin Mendy của Man City cũng tự cách ly sau khi nghe tin người thân có dấu hiệu sốt và ho. Những thông tin về ca nhiễm mới của cầu thủ tại Premier League, chắc chắn không dừng lại ở đây.

Điều này buộc Premier League phải tính đến phương án thi đấu không có khán giả hoặc dừng giải tạm thời. Việc để khán giả vào sân ở thời điểm này là vô cùng nguy hiểm và vô trách nhiệm. Ở trận đấu giữa Liverpool và Atletico Madrid đêm thứ Tư, đã có hơn 10 người bị nhiễm virus Corona, trong đó có 6 công dân Liverpool.

Thế nhưng, tại Premier League mới chỉ có trận đấu này bị huỷ bỏ, còn tại Italia, giải đấu Serie A và tất cả các hoạt động thể thao cũng đã bị hoãn vô thời hạn bởi quốc gia này đang là điểm dịch COVID-19 lớn nhất châu Âu. Ở những nỗ lực cố gắng duy trì giải đấu trước đó, nhiều trận đấu của Serie A cuối tuần qua cũng đã phải diễn ra trên những “sân bóng ma”.

Đây là động thái dễ hiểu bởi Italia đang rúng động sự lây lan khủng khiếp của đại dịch này. Tính từ ngày 23/2, đất nước tôn thờ bóng đá như tôn giáo này mới chỉ có 132 ca nhiễm, thì đến thời điểm này, con số này đã tăng lên thành hơn 15.113 ca nhiễm, trong đó đã có 1.016 người tử vong.

Có nghĩa, chỉ sau 17 ngày, mức độ lây nhiễm đã tăng hơn 70 lần. Mới nhất là trường hợp dương tính với COVID-19 của hậu vệ Daniele Rugani, khiến Juventus buộc phải đi cách ly 121 người gồm cầu thủ, BHL, BLĐ, đội ngũ hỗ trợ và nhân viên. Siêu sao Cristiano Ronaldo cũng đã về nhà để tự cách ly.

“Đại dịch hoãn bóng đá” đã lan tới nhiều nền bóng đá khác. Tại Pháp, hôm 6/3, trận đấu giữa PSG và Strasbourg cũng đã bị hoãn bởi số ca nhiễm của nước này cũng tăng vọt từ 2281 ca, với 48 ca tử vong. Tình trạng huỷ bỏ lịch đấu này chắc chắn sẽ còn xuất hiện nhiều trong vài ngày tới.

Tại Tây Ban Nha, nơi có giải La Liga cùng các CLB bóng đá vĩ đại như Real Madrid và Barcelona, các trận đấu của vòng 28 và 29 đã bị hoãn bởi mối đe doạ của COVID-19. Đến thời điểm này, đã có chính thức các giải VĐQG của những quốc gia như Ý, Bỉ, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha quyết định dừng thi đấu.

Còn tại Champions League, trận đấu giữa Barcelona và Napoli tại vòng knock-out Champions League sẽ chịu thi đấu không khán giả. Còn CLB Getafe cũng đã từ chối sang Italia gặp Inter Milan tại Europa League, cho dù có bị xử thua. Và 2 cặp đấu Inter - Getafe và Sevilla - AS Roma vào đêm thứ Năm đã bị hoãn lại.

Như thế, toàn bộ các giải bóng đá lớn của châu Âu ở cấp độ CLB đều đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19. Thậm chí, sự kiện bóng đá lớn nhất châu lục này là VCK EURO 2020, sẽ diễn ra trong 3 tháng tới, cũng đứng trước nguy cơ đứng ngồi không yên.

Hôm 10/3, đã xuất hiện thông tin rằng, nhiều LĐBĐ thành viên của UEFA đã đề nghị huỷ bỏ VCK năm nay và chuyển sang mùa Hè sang năm. Lý do của yêu cầu này xuất phát từ hai vấn đề.

Một, người ta chưa thể chắc chắn được khả năng kiểm soát đại dịch COVID-19 khi mà nó mới chỉ ở giai đoạn tấn công Lục địa Già. Việc hàng triệu người đổ về châu Âu, ở một VCK được tổ chức tại nhiều quốc gia chính là mối đại hoạ cho việc lây lan và làm bùng phát dịch bệnh ở mức độ nghiêm trọng hơn.

Hai, dựa trên tình trạng hoãn, huỷ hiện tại của nhiều giải VĐQG châu Âu, các quan chức bóng đá không thể chắc được những giải đấu đó có cán đích đúng lịch để có thể giúp các ĐTQG có đủ quân số tham dự EURO 2020 hay không. Chính vì thế, trong tối 12/3 (theo giờ Hà Nội), truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin về chuyện UEFA nhóm họp để đưa ra quyết định dời VCK EURO 2020 sang mùa Hè năm 2021. Tuy nhiên, họ cần đàm phán với FIFA để có được sự đồng ý bởi vì FIFA cũng sẽ tổ chức giải đấu World Cup Club quy mô lớn ở thời điểm này.

Không chỉ EURO 2020, nhiều sự kiện thể thao lớn khác cũng sẽ đứng trước nguy cơ hoãn hoặc huỷ bỏ. Tại Việt Nam ở thời điểm này, chặng đua xe Công thức 1 (F1) đầu tiên được tổ chức vào tháng 4/2020 cũng có thể sẽ bị huỷ bỏ. Đây là sự kiện thể thao được rất nhiều người hâm mộ Việt Nam chờ đợi, bởi nó là môn thể thao đắt giá, thể hiện vị thế và năng lực của Việt Nam trong thời kỳ phát triển.

Số phận của chặng đua F1 Hà Nội sẽ được phán quyết trong vài ngày tới, tuy nhiên, khả năng huỷ bỏ là rất lớn bởi chặng đua F1 Melbourne Grand Prix đã được Thủ hiến bang Victoria (Australia) tuyên bố huỷ vì tình hình phát triển mạnh mẽ của đại dịch COVID-19. Trước đó, 3 thành viên của đội đua McLaren đã bị cách ly vì nhiễm virus Corona, buộc đội đua này phải rút khỏi giải.

Thế Vận Hội mùa Hè Tokyo cũng chịu số phận tương tự VCK EURO 2020. Sự kiện thể thao truyền thống và lớn nhất hành tinh, dự kiến khai mạc vào ngày 24/7 tới, cũng cần sự tham vấn của WHO, để xem có đủ điều kiện an toàn cho việc tổ chức hay không. Còn ngay từ lúc này, nhiều màn thi đấu các VĐV để tích điểm tham dự Thế Vận Hội, cũng đã không thể diễn ra, khiến nhiều VĐV nuối tiếc khôn cùng.

Thiệt hại của bóng đá và thể thao bởi đại dịch COVID-19 là vô cùng lớn. Các trận đấu bị huỷ, hoãn hoặc diễn ra trong cảnh không bán vé, không có khán giả khiến nguồn doanh thu của các CLB, các BTC giải đấu bị thiệt hại nặng nề. Theo hãng thông tấn BBC, một đội bóng hàng đầu như Real Madrid hay Man United, có thể thiệt hại từ 2 triệu đến 5 triệu euro cho một trận đấu không được bán vé.

Với số lượng vé là 47.000 không được bán, có thể thấy, PSG sẽ thiệt đơn thiệt kép khi tiếp đón Dortmund tại trận lượt về vòng knock-out Champions League diễn ra vừa qua. Họ vừa không có sự cổ vũ của khán giả nhà và mất luôn khoảng 4 triệu euro tiền vé.

Không những thiệt hại tài chính, các CLB còn phải tốn thêm chi phí cho các công tác kiểm dịch, tiêu độc khử trùng sân bãi, kiểm soát dịch bệnh và rất nhiều những chi phí không tên khác. Với những CLB bóng đá thuộc dạng “con nhà nghèo” ở V.League, việc tổ chức thi đấu mà không có khán giả thì chẳng khác nào “tự mình ăn thịt mình”.

Vẫn biết, những khán đài chật ních khán giả luôn là niềm mơ ước của bóng đá bởi đó là nguồn sinh lực nuôi sống bóng đá. Thế nhưng, khi những con virus dễ dàng phát tán trong không khí qua đường hô hấp, thì những sân vận động chứa hàng vạn người chính là mối nguy cực kỳ nguy hiểm.

Ngoài những thiệt hại về tài chính, đại dịch COVID-19 cũng khiến các BTC giải đấu khiếp đảm. Lịch thi đấu dày đặc bị thay đổi nghiêm trọng khiến cho nguy cơ vỡ giải xuất hiện ở mức độ cao, điển hình như những gì đang xảy ra với Serie A. Giải đấu đó không thể tổ chức cho những CLB nằm ngoài vùng dịch, hoặc bốc toàn bộ các CLB sang thi đấu ở một nơi “an toàn” khác được.

Bóng đá nói riêng và thể thao nói chung, đang đứng trước một thách thức rất lớn. Và hiện tại, chúng ta có thể kết luận một điều chắc chắc rằng: Tất cả đang run rẩy dưới lưỡi hái của Tử thần COVID-19.

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.ketquahanoi.com

 

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay